Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Rét đài, em cấy đồng chiêm

Thơ Việt Dũng



*
Có một chiều đông nghiêng nghiêng
Má hồng em gái đồng chiêm
Rét đài lội bùn đi cấy
Sang xuân em theo tình riêng…


Tình riêng sao cứ chung chiêng
Như câu hát xoan ngày ấy
Tứ thân mớ ba, mớ bẩy
Lưng ong nũng nịu xoay tròn…

Này em, em gái còn son
Cớ sao bỏ làng sang đấy
Hội xuân vắng cô thợ cấy
“Í… a…” tiếng hát say lòng.

Năm sau ruộng trũng, lưng còng
Mẹ già rét đài đi cấy
Chiều đông nhớ người con gái
Thoáng buồn gió rét nghiêng nghiêng…


Hà Nội, một chiều nghiêng.2015













6 nhận xét:

  1. Bài thơ hay. Cứ hình dung ra một anh chàng đi hội hát Xoan đang đưa mắt khắp nơi tìm cái cô "lưng ong" của mùa hát trước. Không biết anh có thực thương bà cụ lưng còng đi cấy không, hay đó chỉ là cái điểm tựa để nói lên cái bâng khuâng nhớ cô nàng kia?
    Nghịch ngợm đôi vần với VD:

    Ô hay! Đã gọi "tình riêng',
    Sao còn cứ soi vào đấy?
    Hay muốn biến thành "tình chung",
    Hả chàng si cô thợ cấy?

    Đôi khi nhìn, thấy chung chiêng,
    Nhưng mà người ta thích vậy.
    Bởi chung chiêng, phải ôm nhau,
    Thật chặt, không thì ngã đấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Pác QV "Hóm" thật. E thích khổ thơ cuối của Pác:
      - "Đôi khi nhìn, thấy chung chiêng,
      Nhưng mà người ta thích vậy.
      Bởi chung chiêng, phải ôm nhau,
      Thật chặt, không thì ngã đấy! "
      Em "bật mí" với Pác là Tên bài thơ do anh Q.Trung đặt giúp đấy. Vì bài Em gửi bác Chủ Thớt có tiêu đề là "CHIỀU NGHIÊNG", rồi sửa thành "RÉT ĐÀI ĐI CẤY". Vẫn thấy ko ổn, nên phải "cầu cứu" anh Q.T Pác QV ạ.
      Vậy nên V.D rất CÁM ƠN anh Q.T đã chọn Tiêu đề hay và chọn cả HÌNH lẫn TIẾNG đều RẤT OÁCH.

      Xóa
    2. Nếu là tớ, tớ sẽ chọn tiêu đề là "Rét đài, thương người đi cấy", bởi trong bài thơ, không chỉ có em đi cấy trong tiết rét đài, mà ở khổ cuối, là "Mẹ già rét đài đi cấy". Hình ảnh mẹ già ở đây làm người đọc thấy ngậm ngùi thương bà cụ, tuổi cao rồi nhưng vì đã cho con gái đi lấy chồng nên phải làm cả phần việc của con. Và trong cái "gió rét nghiêng nghiêng" ấy, chẳng biết câu "nhớ người con gái" là nói về người mẹ già hay về anh chàng ấy, và cũng chẳng biết anh chàng có thương người mẹ hay chỉ thương nhớ người con gái của cụ thôi?

      Xóa
  2. OK anh Quang Việt, ý anh rất nhân văn, tuy nhiên hình ảnh mẹ già năm sau đi cấy thay con đi làm dâu lại là hình ảnh để nhấn mạnh cho nội dung chính là tác giả làm thơ về nhân vật chính là cô gái. bởi thương mẹ già có lẽ nên có bài thơ khác, chứ mà thương hết cả thì lạc mất chủ đề, bởi rõ ràng trong bài thơ tác giả chỉ nhấn mạnh đến người con gái năm nay đi cấy, cấy xong về nhà chồng, để lại ruộng đồng cho người ở lại, một chút bâng khuâng thương nhớ hình ảnh ai đó lưng ong đi cấy mùa đông, có lẽ đó chính là chủ ý của tác giả chăng?

    Trả lờiXóa
  3. Thật tình lúc mới đọc NT không hiểu thế nào là rét đài, thế nào là cấy lúc chiêm và vv.... NT không dám giấu dốt, nhưng sau khi tìm hiểu và được giải thích, NT càng thấm thía cái hay của bài thơ này...Cám ơn tác giả!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Ng.Tr. Quả thật bài thơ này Tác giả dùng nhiều từ rất "chân quê". Có lẽ chỉ những lớp người có tuổi, đã có thời gian sống ở nông thôn lâu mới hiểu rõ. Ví như "Rét đài", "đồng chiêm", "Tứ thân mớ ba, mớ bảy"... Tuy nhiên, trong bài này dùng một số từ ngữ thật "Quê" mới thấy "Phê" phải ko Ng. Tr ? Chúc bạn luôn khỏe, xinh đẹp và có nhiều bài đóng góp với "QUÁN" nha.

      Xóa

" Quán Thơ BT" hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment