Tãn văn của Quốc Việt
Kính gửi anh chị em bantroi
Đọc blog, thấy Cao Bắc, Đức Dũng, Bắc Hải tham gia… mình rất vui, dù xa nhau nhưng lòng vẫn gần nhau, hướng về nhau..
Cao Bắc tham gia hoạt động thương mại chắc sẽ rẩt bận, nhưng có lẽ là hướng đi đúng. Chúc CB thành công và chúc một năm mới vui vẻ.
Đức Dũng vẫn đi biên cực hay, hóa ra bạn mình có tài về thơ, mà nhớ anh em.
Hôm họp lớp, mình được lệnh cấm uống rượu vì vừa mổ mắt, hơi bần thần một tí nhưng vui với anh em. Vẫn chưa nhìn rõ lắm, mong anh em thông cảm
ĐÓN XUÂN GIÁP NGỌ – NHỚ TRẬN ĐÔNG BỘ ĐẦU - Kỷ Tỵ 1258
“Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”
Trần Nhân Tông
dịch thơ
”Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong”
Bài thơ kể lại chiến công oanh liệt của vua Thái Tông nhà Trần với lực lượng quân sự nhỏ yếu của Đại Việt đánh bại 12,5 vạn quân Mông Cổ do danh tướng Cốt Đãi Ngột Lang cầm đầu cách nay vừa tròn 756 năm.
Nguyên Phong là niên hiệu thứ 3 của Trần Thái Tông (1251 – 1258). Năm Nguyên Phong thứ 8, ngày 12/12 năm Đinh Tỵ (17/1/1258), quân Mông cổ do danh tướng Cốt Đãi Ngột Lang (Uriyangqatai sinh 1200 mất 1271 cùng 5 vương 6 tướng, kể cả Quốc Vương Đại Lý là Đoàn Hưng Trí và 3,5 vạn quân (kể cả quân của Đại Lý cùng 9 vạn dân binh). dọc sông Hồng tiến đến Thăng Long hòng đánh chiếm Đại Việt lấy cớ là mượn đường diệt Tống.
Sau cuộc rút lui chiến lược tại cánh đồng Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc), cuộc chiến đẫm máu tại sống Cà Lồ (Đông Anh Hà Nội), mà sử sách còn ghi lại: Vua thân tự làm tướng, xông pha vào đám hàng vạn quân địch, sắc mặt không đổi. [Vua] quay lại chỉ còn mỗi tướng quân Lê Tần (sau đổi tên là Lệ Phụ Trần), [Tần] khuyên Vua rút, giữ kế dài lâu.
Nhờ hai trận chiến, dân thành Thăng Long tản cư an toàn, Vua lệnh toàn dân kháng chiến, nơi nào không đánh được, cho rút lui nhưng phải triệt phá toàn bộ tài sản, lương thực để quân Mông không còn gì ăn.
Đêm 24 rạng 25 âm lịch, sau lễ ông công, ông táo, ĐVSKTT ghi "Ngày 24, vua và Thái tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Mông Cổ chạy trốn về, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man ra tập kích, lại cả phá bọn chúng."
Sử ghi vắn tắt, nhưng cuộc chiến bằng bạch binh ấy chống quân Mông cổ đã có máy bắn đá, máy phá thành, có ống phun lửa và súng thần công chắc phải ác liệt.
Vào thời Trần, Hải cảng gọi là Quan, ta có Hàm Tử Quan, bến sông gọi là Độ, ta có Chương Dương Độ, còn bến sông lớn để đậu thuyền gọi là Bộ Đầu nên Đông Bộ Đầu là bến thuyền phía Đông thành Thăng Long, nay thuộc phố Hàng Than, cách thành chừng 1,5 km.
Khi quân Mông cổ chiếm Thăng Long, căm tức vì không cướp bóc được gì, đã đốt toàn bộ nhà cửa trong thành, chắc phải dựng trại trong thành và xung quanh. Lương thực, thức ăn cho ngựa phải chở từ Vân Nam sang bằng thuyền, vẫn để tại Đông Bộ Đầu cho tiện phân phối và chiến trận, do một bộ phận binh lực canh giữ.
Trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu làm toàn bộ 12,5 vạn quân Mông cổ tan rã lập tức do không còn bất cứ cái gì ăn cho cả người lẫn ngựa; Viên tướng lão luyện Cốt đãi Ngột lang buộc cho toàn quân rút chạy, về đến Vân Nam chỉ còn 5 ngàn lính và dân binh. Trận chiến nhanh đến nỗi Nguyên sử không kịp ghi chép, (tài liệu của họ mới chỉ ghi lại đánh bại vua Trần tại Bình Lệ Nguyên và sông Cà Lồ, chiếm được Thăng Long). Triều đình Đại Việt kịp đón Xuân năm Mậu Ngọ tại Kinh Thành.
Thật kì lạ, trận chiến này không được Hịch Tướng sỹ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nhắc đến. Wikipedia cho rằng Bài hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn viết vào cuộc kháng chiến lần 2 và duyệt binh ở bến Bình Than mà chúng ta vẫn học, song có lẽ không phải. Nếu biết các trận chiến đó mà không ghi lại, đó là một lỗi rất lớn đối với người viết Hịch.
Ta xem lại bối cảnh lịch sử và thời gian viết của bài hịch.
Vào năm 1225, khi Nữ Hoàng Chiêu Thánh 7 tuổi nhường ngôi cho ông Vua Trần Cảnh cũng 7 tuổi, vó ngựa đạo quân của Thành Cát Tư Hãn đã đưa đế chế Mông gôn mở rộng về phía tây qua xứ Nga cổ (Rus) tới Trung Đông và châu Âu; phía Nam tới Ấn Độ và chạm trán với nhà Liêu (Trung Quốc), về phía đông tới bán đảo Triều Tiên và buộc Vương quốc Thái Lan, Khmer và Lào cổ phải quy phục. chinh phục Bashkirs, Bulgar, toàn bộ thảo nguyên Kipchak. tái lập quyền Mông Cổ ở Mãn Châu, nghiền nát Triều đình Đông Hạ và Tatars.
Năm 1230, Đại hãn Ögedei thay cha vừa mất, đích thân dẫn quân triệt hạ triều Đại Kim (Trung Quốc), chiếm giữ thủ đô Khai Phong năm 1232, bắt giữ Vua Kim năm 1234.
Tướng Chormaqan của Ögedei triệt phá Jalal ad-Din Mingburnu, Đế quốc Khwarizmian. Các vương quốc nhỏ ở miền Nam Ba Tư tự nguyện chấp nhận uy quyền của Mông Cổ. Tại cực đông, Vua Gojong của Triều tiên đầu hàng
Đại hãn Mông Kha (1208 - 1259), kế tục cha ông tàn phá Kypchak và Maghas, phá hủy Kiev và tấn công Hungary 1236 -1242, rồi quay về tấn công nhà Tống Trung Quốc.
Cha đẻ của Hoàng đế Đại Việt vốn là Nội thị Phán thủ (đầu bếp), và ông chú quyền lực Trần Thủ Độ lúc đó là Điện tiền chỉ huy sứ (Đội trưởng chỉ huy 30 lính gác trước cửa cung điện). Nhà Vua trẻ không có thực quyền, kể cả việc lấy vợ. Các tập đoàn phong kiến chia xẻ triều đình.
Năm 1241, Hoàng đế Thái Tông nhà Trần 23 tuổi, thân cầm quân theo đường bộ đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống; Sau đó, ông chỉ mang 3 thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang, vượt qua châu Khâm, châu Liêm đánh đến tận Chiết giang, từ đó các tập đoàn phong kiến Việt Nam
mới thừa nhận ông là hoàng đế.
Bài Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu có tả các chuyến viễn chinh này giống như cảnh đi chơi cho nên ĐVSKTT ghi là Hoàng đế "vi hành" sang đất Tống:
"Khách có kẻ
Giương Buồm giong gió chơi vơi,
Lượt Bể chơi Trăng mải miết.
Sớm gõ Thuyền chừ Nguyên Tương,
Chiều đến thăm chữ Vũ Huyệt.
Cửu Giang, Ngũ Hồ,
Tam Ngô, Bách Việt.
Nơi có người đi,
Đậu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài kho trọng bụng đã nhiều ... "
NGUYÊN TƯƠNG là chi lưu chính của sông Trường Giang nơi chia đôi hai tộc người Giang Nam và Giang Bắc. Thượng Hải, Chiết Giang thuộc Giang Nam.
VŨ HUYẾT hay VŨ HUYỆT là thị trấn của Huyền Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, phía Bắc Hồ Động Đình.
CỬU GIANG là thị trấn phía Nam Trường Giang thuộc tỉnh Giang Tây Trung Quốc.
NGŨ HỒ là Hồ Động Đình và 4 hồ lân cận thuộc dãy hồ Động Đình.
ĐẦM VÂN MỘNG là tên khác của Hồ Động Đình.
Ta xem lại bài Hịch Tướng sĩ:
“Vương Công Kiên là người thế nào? Nguyễn Văn Lập, tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà đem thành Điếu Ngư nhỏ tày cái đấu Đương đầu với quân Mông Kha đường đường trăm vạn, Khiến cho sinh linh nhà Tống đến nay còn đội ơn sâu!”
Vương Công Kiên hay Vương Kiên (1198 – 1264), tướng Tống, năm 1254, điều 17 vạn dân phu từ 5 huyện, xây dựng thành Điếu Ngư (quận Hợp Xuyên, Trùng Khánh) chống giữ với quân Mông Kha; Như vậy bài Hịch nói tới thời điểm 1254, chưa có chuyện thành Điếu Ngư bị diệt.
“Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào? Xích Tu Tư tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà xông vào chốn lam chướng xa xôi muôn dặm đánh quỵ quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, Khiến cho quân trưởng người Thát đến nay còn lưu tiếng tốt!”
Cốt đãi Ngột Lang chiếm được kinh đô Đại Lý năm 1253, chiếm hoàn toàn Đại Lý năm 1254, bắt sống vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí năm 1254, nhưng giữ làm Quốc Vương nên chưa có Vân Nam Vương mà bản Hịch gốc gọi là "Giả Vân Nam Vương", chưa có chuyện Vân Nam thành một huyện của nhà Nguyên và Thoát Hoan được phong là Vân Nam Vương.
“Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường,
Uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình;
Đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ.
Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng;
Khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn.
Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau”
Tể Phụ (宰祔) là quan đầu Triều chứ không phải là Tổ phụ.
Từ 1254 tới 1258, Đại Việt luôn chịu sức ép năng nề của quân đội Mông Cổ - Cốt đãi Ngột Lang cho sứ tới Thăng Long bắt nhà Vua sang chầu đòi Nhà nước Đại Việt phải chấp nhận ba việc: Một là triều cống; hai là cho quân Mông Cổ mượn đường đánh Tống; Ba là đặt chức Daguratri (viên toàn quyền) tại Thăng Long. Nhà Trần chỉ chấp nhận có một việc là cống nạp mà thôi. Riêng 1258, ba lần Mông cổ cử sứ vào Đại Việt. Lần thứ nhất, vào tháng 8, lần thứ hai vào tháng 9 và lần thứ ba vào tháng 11; cả ba lần, các tên chánh sứ đều bị giam trong nhà công quán; Sự kiện mà bài hịch nói đến chắc chắn vào khoảng 1254 – 1258.
Hoá ra Wikipedia sai, bài hịch được viết sau năm 1254 và trước năm 1258; Liệu có thể xác định thời điểm cụ thể chính xác hơn không?
ĐVSKTT ghi "Tháng 9 năm Đinh Tỵ (1257), (Trần Thái Tông) xuống chiếu, lệnh (cho) tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của (Trần) Quốc Tuấn".
Như vậy Trần Quốc Tuấn đã là tiết chế từ tháng 9, nhưng không thấy ông tham chiến ở cánh đồng Bình Lệ Nguyên, sông Cà Lồ cũng như trận Đông Bộ Đầu. Trận Đông Bộ Đầu mới có quân của Thái tử Hoảng, các cánh quân khác chưa về kịp.
Trần Quốc Tuấn tiết chế quân thuỷ bộ ra biên giới, chắc là mặt trận Đông Bắc nên không thể kịp về chống quân Mông Cổ tràn vào theo mạn Tây Bắc; Vua phải thân làm tướng vì phần lớn quân đội đã đi theo Quốc Tuấn.
Bài Hịch Tướng sĩ có tên chữ Hán nguyên văn là “Dụ Chư tỳ tướng Hịch văn” hay “Bài hịch dạy các gia tướng”.
Vào đời Trần, ngoài quân đội Triều đình, các quan lại có Sương quân là quân đội của các Lãnh chúa và Vương hầu quân là Quân của các Vương hầu; Gia tướng của Trần Quốc Tuấn gồm các nhân vật nổi tiếng như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Khoái, Yết Kiêu, Dã Tượng, không kể các người con đều tài giỏi, bài Hịch nhắc đến:
“Không có ăn, ta cho cơm
Không có áo, ta cho mặc”…
Nguyên văn bản Hịch chữ Hán không nói tới “làm tướng Triều đình phải hầu quân giặc” mà nói “Vi bang quốc chi tướng, thị lập di tú nhi vô phẫn tâm;” Chữ Bang của Hán cổ có nghĩa là nước lớn; Di tú nghĩa là bộ lạc mọi rợ.
Nguyên văn bản Hịch cũng không nói tới việc “Ta cùng các ngươi coi giữ binh quyền đã lâu ngày”; Nguyên văn bản hịch là:“Cửu cư môn hạ, Chưởng ác binh quyền.” : Các người là Môn hạ của ta được giao việc binh.
Trong gia đình và Môn hạ Trần Liễu, nhiều kẻ cũng muốn phục thù cho chủ, cướp ngôi của Trần Cảnh, Bài hịch rõ ràng khẳng định đâu là địch, đâu là ta, chính nghĩa ở đâu:
"Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, Chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, Để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?
Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta”
Hóa ra khi viết bài hịch này, quân Mông cổ chưa xâm lược Đại Việt và lời hịch ấy đã làm cảnh tỉnh cho vua tôi Đại Việt khi quân Mông cổ sang xâm lược.
Như vậy, bài Hịch phải viết trước tháng 9/1257 và trong năm đó; sau khi bài Hịch truyền ra ngoài Thái ấp của Trần Quốc Tuấn, Triều đình được đọc, kiểm tra quân đội riêng của ông và thử tài Quốc Tuấn để cử làm Tiết chế mặt trận yếu nhất - mũi Đông Bắc, chặn Hải quân Mông cổ.
Mặc dù là bài Hịch viết riêng cho Gia tướng, Vua Thái Tông đã nhận ra phẩm cách và tài năng tuyệt vời của người cháu ruột mình, đó là vị Thánh Võ cho muôn đời con cháu.
Tại sao Bản dịch của cụ Trần Trọng Kim lại khác đi như vậy?
Ai đó nên hỏi cụ, nhưng giọng văn hào hùng của bài Hịch được cụ Kim truyền lại vẫn là Thiên cổ hùng văn:
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, ngàn xã này cuốn trong da ngựa, ta cũng cam lòng"
Để thưởng thức, ta có thể dung bài dịch của cụ Trần Trọng Kim, nhưng để dạy Văn - Sử cho các cháu thì nên giảng kĩ hơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
" Quán Thơ BT" hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment