Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Chiều nghĩa trang

thơ Quang Việt
Ảnh minh họa
Cụ già
Tóc bạc phơ,
Cả chòm râu cũng bạc.
Tập tễnh lê từng bước,
Tay cầm mấy thẻ nhang.
Áo quân phục, vai đã sờn,
Chân đi dép rọ.


Đây rồi, mộ nó,
Đứa con trai duy nhất của gia đình.
Ngày nó sinh,
Bận chiến đấu, cụ không về được.
Lần đầu gặp con, nó đã vào lớp một.
Phải vài hôm sau nó mới nhận cha.
Ở nhà ít ngày, rồi cụ lại đi xa,
Mỗi năm chỉ một lần về phép.
Rồi lại lăn vào công việc triền miên.

Cu cậu ở nhà, nhờ khoai sắn, lớn lên,
Thèm có em
Nhưng cụ bà chẳng thể sinh thêm được.
Vậy nên cu cậu là con một.
Mới mười bẩy, nhỉnh hơn một chút,
(Lúc này cụ đang ở chiến trường xa),
Nghe tiếng bom dội về từ phía trời xa,
Nó nằng nặc đòi đi bộ đội.
Đi khám, trúng tuyển rồi, về mới nói:
“Con vào Nam tìm bố mẹ à”.
Dù trong bụng xót xa,
Nhưng cụ bà biết làm sao được.
Nó quyết chí vì dân, vì nước,
Đành khóc thầm, tiễn cu cậu ra đi.
Có ngờ đâu,
Nó đi mãi, không về,
Để mẹ một mình còm cõm.

Rồi cụ phục viên sau chiến thắng,
Trở về với mấy vết thương,
Cùng cụ bà sớm ruộng, tối nương,
Ngày tháng trôi qua lặng lẽ.

Khi Tổ quốc tôn vinh những người mẹ,
Cụ bà nhận danh hiệu anh hùng,
Ôm tấm bằng, nước mắt rưng rưng:
“Thôi thì cám ơn ông nhà nước”
“Nhưng giá như đổi được,”
“Tấm bằng này để được gặp con, dù chỉ phút giây”
“Thì dẫu có phải nằm xuống ngay”
“Mẹ cũng thấy mát lòng, mát dạ”.

Ở với nhau được hơn năm nữa,
Cụ bà bỏ cụ, ra đi.
Thế là từ đó, sớm khuya,
Cụ một mình vò võ.
Nước lọ, cơm niêu,
Để sớm sớm chiều chiều,
Thắp nén nhang cho vợ con ở nơi chín suối…

Cụ già
Tóc bạc phơ,
Cả chòm râu cũng bạc.
Tay run rẩy châm nhang trong tiếng nấc,
Gò má nhăn nheo, giọt nước mắt lăn dài,
Giọng thì thầm, cụ nói chuyện với con trai…

Chiều nghĩa trang, bóng cụ đổ dài.

16/7/2014

3 nhận xét:

  1. Là người lính cũng tạm gọi là chai sạn mà vẫn thấy rưng rưng trước cảnh này đấy QV ạ! Mới thấy mình hạnh phúc hơn cả triệu đồng đội, mới thấy mình có tội với dân tộc hiểu theo nghĩa nào đó sâu thẳm. Hy vọng trời lại sáng để cho thế hệ cháu chắt này thôi chứ với người lính đầu bạc có cần chi nữa đâu! Cảm ơn QV có bài thơ cảm động cho ngày 27/7 !

    Trả lờiXóa
  2. “Cụ già
    Tóc bạc phơ,
    Cả chòm râu cũng bạc.
    Tập tễnh lê từng bước,
    Tay cầm mấy thẻ nhang.
    Áo quân phục, vai đã sờn,
    Chân đi dép rọ”
    Bất cứ ai đọc những vần thơ này cũng rưng rưng lệ. Hình như trái tim tác giả đã hòa quyện vào từng vần thơ về hình ảnh đi tìm mộ đứa con trai duy nhất của một người chiến sĩ già “tóc bạc, râu bạc”. Người cha ấy không có nhiều thời gian gần con vì “công việc triền miên”, thậm chí cũng không có mặt trong lúc đứa con mình mở mắt chào đời
    “Ngày nó sinh,
    Bận chiến đấu, cụ không về được.
    Lần đầu gặp con, nó đã vào lớp một.
    Phải vài hôm sau nó mới nhận cha”
    Vâng, đây cũng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các gia đình khác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng trường hợp này đặc biệt hơn ở chỗ là người lính già đó chỉ có một con trai, vì người vợ không thể sinh thêm được. Ngày con nhập ngũ, người cha già “đang ở chiến trường xa”...
    Con hy sinh, cha cũng chẳng biết vì còn đang lao mình vào cuộc chiến...
    Thật xót xa khi đọc những vần thơ về người mẹ được Tổ quốc tôn vinh
    “Cụ bà nhận danh hiệu anh hùng,
    Ôm tấm bằng, nước mắt rưng rưng:
    “Thôi thì cám ơn ông nhà nước”
    “Nhưng giá như đổi được,”
    “Tấm bằng này để được gặp con, dù chỉ phút giây”
    “Thì dẫu có phải nằm xuống ngay”
    “Mẹ cũng thấy mát lòng, mát dạ”.
    Và, còn gì đau đớn hơn khi người chiến sĩ già đó đã mất cả người vợ thân yêu, để rồi
    “ từ đó, sớm khuya,
    Cụ một mình vò võ.
    Nước lọ, cơm niêu,
    Để sớm sớm chiều chiều,
    Thắp nén nhang cho vợ con ở nơi chín suối…
    “Tay run rẩy châm nhang trong tiếng nấc,
    Chiều nghĩa trang, bóng cụ đổ dài.”
    Vâng, NT đã khóc, làm sao có thể bình thản khi đọc bài thơ này chứ! Cám ơn tác giả ! bài thơ thật hay và cảm động.

    Trả lờiXóa
  3. Cháu rất thích bài thơ này ạ. Cháu đọc cho bố và các bác nghe. Ai cũng rưng rưng nước mắt bác ơi...
    Cháu cảm ơn bác đã chia sẻ bài này với cháu ạ. Chúng cháu là thế hệ đi sau, có lẽ quá nhiều bình yên, quá nhiều bon chen với cơm áo gạo tiền, cái cảm, cái tình để chia sẻ, để thấu hiểu, để hi sinh dường như bị lu mờ đi nhiều bác ạ.

    Cháu một lần nữa xin cảm ơn bác ạ. Bài thơ quả thật rất đi vào lòng người.

    Trả lờiXóa

" Quán Thơ BT" hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment