Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Tết Mậu Thân bi tráng

Thơ Ngô Hạnh

Các bạn thân mến!
Tháng 7 trong năm chẳng hẳn tháng vui dù World Cup và Euro vào tháng này. Với dân VN thì tháng bảy là tháng tưởng niệm TBLS, tháng Bảy ta thì Tết Vu lan-báo hiếu-xá tội vong nhân.....Với người lính chúng ta thì tháng này có nhiều hoài niệm quá khứ, về đồng đội đã hy sinh, về những người còn sống chật vật cần được sẻ chia. Tháng này hàng năm NH thường có những bài về 27/7. Các bài chưa đạt mức độ nghệ thuật văn thơ để gửi Quán, song cũng xin mạo muội gửi bài Tết Mậu Thân bi tráng để giới thiệu khoảnh khắc chiến trường của những người lính. Chiến trường thì ác liệt rồi nhưng đây là ngày đặc biệt: ngày Tết, người lính mới tò te từ Bắc vào Nam được mấy ngày phải chứng kiến những đồng đội đầu tiên của đơn vị ngã xuống. Thời gian, không gian, con người và sự kiện thật 100% không hư cấu tô vẽ. Với người lính thì hơn 46 năm rồi mà vẫn như mới hôm qua.

Tết Mậu Thân bi tráng
( Nhớ Quảng Trị 1968)

Nhớ Ba mươi Tết Mậu Thân năm ấy
Trời vẫn trong xanh không một gợn mây
Rõ cả đội hình những pháo đài bay
Bom tọa độ bổ vồng ngô trên núi
Cây chết khô lại cháy bùng dữ dội
Đồng đội tôi hướng ấy vẫn chưa về.
Anh Bách kia rồi thấp thoáng phía đồi thưa
Miệng vẫn cười tươi sau đêm trinh sát
Đơn vị bình an không có gì đặc biệt
Nhiệm vụ mới đây: Hạnh, Thuật hãy sẵn sàng
Cùng quản lý Khâm nhận gạo nhận hàng,
Hẹn kho V2 trong buổi chiều có mặt.
Nơi tiền tuyến tải hàng cũng như ra trận
Chẳng có nơi nào im ắng tiếng đạn bom
Nhiều chiến binh ngã xuỗng lúc gùi hàng
Không kịp đón một ngày mai năm mới
Quân phục chúng tôi nhuộm màu đỏ ối
Màu cờ tươi đồng đội gửi ngày mai.
Tìm đâu ánh sáng trong đêm ba mươi
Ngoài ánh chớp và ầm ầm bom tọa độ
Tiếng đất đá đổ rào rào trên nóc hầm đang trú
Đánh thức chúng tôi đúng lúc giao thừa
Vang vọng đâu đây lời chúc tết-Bác Hồ.
Chia nhau nhân đan ngậm thay kẹo tết.
Mặc « pháo giao thừa» cứ trên không gầm rít
Lính chiến chúng tôi vẫn tiếp tục ngủ ngon
Sáng bừng tỉnh chẳng kịp nấu cơm ăn
Sang hầm bạn sẻ chia nồi cơm trắng
Nhưng chao ôi sao nồi cơm lại đắng?
Có gì lạ đâu gạo lẫn bộc phá rời.
Tất cả chúng tôi dở khóc dở cười
Còn đùa tếu: quân y cho ký ninh vào gạo
Có cậu đã cho thêm nước sôi thành cháo
Húp đại vài lưng đỡ đói « diệt sán giun».
Sáng hẳn rồi vẫn không dứt tiếng bom
Ngay lúc ấy nhận được tin sấm sét:
Anh Bách đã hy sinh đúng ba mươi tết
Cùng Y tá Đo khi lấy nước nấu cơm chiều
Pháo thủ Cảnh đang cải thiện canh rau
Gần đến bữa phải ra đi tức tưởi.
Bởi pháo tọa độ phía Cồn Tiên bắn tới.
Các anh người đầu tiên đi nghĩa địa Trung đoàn.
Bom đạn vẫn gầm gào, đất cày xới ngổn ngang
Muốn vùi lấp cả những người khiêng cáng.
Đội quân vẫn hối hả trong đêm đông chạng vạng
Chẳng sợ bom rơi, chỉ sợ lạc đồn thù
Nghĩa địa ở đâu trong đêm tối mịt mù
Tất cả lặng yên bên các anh chờ trời sáng rõ.
Năm mới ngày đầu đã phải đi làm mộ
Chỉ mong sao các anh được yên hàn
Đâu có dễ trong thời buổi chiến tranh
Khi tấc đất chịu trăm nghìn vết đạn
Các anh ở đây với cây rừng bầu bạn
Chúng tôi lại đi về phía chiến trường.
Bốn sáu năm rồi, trải bao chặng đau thương
Các anh còn đó hay đã về Đường 9 ?
Nghĩa trang Trường Sơn cũng là nơi điểm hẹn
Để lính 64 mình đoàn tụ bên nhau.
Nghĩa địa ngày xưa, nay rợp bóng cao su
Nếu chưa đi, có ai đắp cho các anh phần mộ?
Chẳng chỗ nào xa khi các anh đi mây về gió
Dù ở nơi đâu với lính cũng là nhà
Tết qua rồi lại sắp đến tháng Ba
Tháng nhập ngũ dịp chúng mình tụ hội
Cách biệt âm dương dẫu vắng lời thăm hỏi
Tất cả mọi người vẫn luôn nhớ các anh!
2/2014

3 nhận xét:

  1. Đọc bài thơ, NT cảm giác như hòa mình trong cuộc chiến cùng với những người lính. Đây là một ký ức đầy tự hào, nhưng cũng vô cùng đau thương về đợt tổng tiến công mùa xuân 1968. Tác giả đã kể lại chi tiết những trải nghiệm của chính anh - người chiến sĩ trẻ năm ấy, đón năm mới bằng “pháo giao thừa” , gian khổ, hiểm nguy trong gang tấc, nhưng chất lính – lạc quan, hóm hỉnh, kiên cường vẫn thể hiện rõ nét qua những vần thơ :
    “Vang vọng đâu đây lời chúc tết-Bác Hồ.
    Chia nhau nhân đan ngậm thay kẹo tết.
    Mặc « pháo giao thừa» cứ trên không gầm rít
    Lính chiến chúng tôi vẫn tiếp tục ngủ ngon”
    Và, cơm lẫn bộc pháo lại trở thành câu chuyện vui, thành tiếng cười quên đi cái đói, cái vất vả để tập trung cho cho trận đánh:
    “Nhưng chao ôi sao nồi cơm lại đắng?
    Có gì lạ đâu gạo lẫn bộc phá rời.
    Tất cả chúng tôi dở khóc dở cười
    Còn đùa tếu: quân y cho ký ninh vào gạo
    Có cậu đã cho thêm nước sôi thành cháo
    Húp đại vài lưng đỡ đói « diệt sán giun»”.
    Các anh không sợ đạn bom, chỉ sợ “lạc đồn thù”, vì sẽ tổn thất vô cùng to lớn, sẽ không chủ động tấn công địch, NT không phải là lính, nên cảm nhận vậy...
    Bốn sáu năm đã trôi qua, và anh-tác giả bài thơ vẫn còn may mắn hơn những người bạn lính của mình:
    “Anh Bách đã hy sinh đúng ba mươi tết
    Cùng Y tá Đo khi lấy nước nấu cơm chiều
    Pháo thủ Cảnh đang cải thiện canh rau
    Gần đến bữa phải ra đi tức tưởi..”
    Anh đã trở về với gia đình thân yêu, nhưng trong sâu thẳm trái tim anh là những tình cảm sâu đậm nhất, thương mến nhất để dành cho đồng đội đã hy sinh của mình
    “Bốn sáu năm rồi, trải bao chặng đau thương
    Các anh còn đó hay đã về Đường 9 ?
    Nghĩa trang Trường Sơn cũng là nơi điểm hẹn
    Để lính 64 mình đoàn tụ bên nhau.”
    Sắp tới ngày 27/7 chúng ta hãy cùng tác giả bài thơ kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm những người con đã ra đi vì Tổ quốc, hãy cầu nguyện cho các anh một giấc ngủ bình an muôn đời, bởi lẽ:
    “Cách biệt âm dương dẫu vắng lời thăm hỏi
    Tất cả mọi người vẫn luôn nhớ các anh!”
    Cám ơn tác giả!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn NT nhiều, một đọc giả nhiệt tình và đồng cảm với mọi người và đặc biệt là với lính. Mấy chữ là "lạc đồn thù" là thế này, khi dày dạn rồi thì biết đường đi lối lại, còn lính mới vào trận một vài hôm trong rừng biết đâu địch đâu ta, trong đêm tối lạc vào hướng địch thì gay quá đành ngồi dưới bom đạn chờ trời sáng rõ để tìm đến nghĩa địa.

    Trả lờiXóa
  3. NH hạnh phúc hơn mình vì đã được trực tiếp tham gia chiến đấu. Và NH là một trong số những người may mắn đã vượt qua lửa đạn, ra khỏi cuộc chiến trở về nguyên vẹn. Những vần thơ của anh thật chân thực, xúc động. Nếu không là người trong cuộc, không thể có được những vần thơ đầy cảm xúc như thế. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sỹ - đồng đội NH và bao anh hùng LS khác đã nằm xuống vì dân, vì nước. Cũng xin bầy tỏ lòng khâm phục đối với những người đã từng vững vàng vượt qua thử thách máu lửa như NH.

    Trả lờiXóa

" Quán Thơ BT" hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment