Thơ Ngô Hạnh
Vai vác nặng lính nhích lên từng bước
Hơi thở dốc át gió tây thổi ngược
Cứ tưởng ướt đầm mà ráo hoảnh mồ hôi
Giọt nào ra nắng uống cạn mất rồi
Còn đâu nữa để mà rơi rớt xuống
Khe suối kia rồi lính thi nhau uống
Nhúng quân trang làm mát lúc leo lên
Đầu người sau gần chạm gót người trên
Leo chục bước đã thấy người khô quắt
Trời trên cao chỉ một màu xanh ngắt
Nghe từ lâu nay được thấy gió lào
Đi đã mệt nói chi đến leo cao
Cái say nắng làm hôn mê tức thở
Chút ít đất bằng cũng tìm đâu có
Bám gốc cây tạm nghỉ lúc đợi chờ
Quân ra trận vẫn lặng lẽ băng qua
Kịp đến trạm trong khi trời còn sáng
Đợi bóng đêm về che đi cái nắng
Gió trời khuya nhạt bớt cái oi nồng
Đêm Quảng Trị tạm lắng chút thinh không
Ru lính ngủ để ngày mai ra trận.
Nhớ Quảng Trị 1968
Bài thơ này được sáng tác năm 1968 - tức là khi tác giả đang là người lính trẻ hành quân trong vùng núi Quảng Trị. Hình ảnh những người lính “nhích lên từng bước” trên dốc núi cheo leo, mồ hôi bị “nắng uống cạn”, và cứ “thở dốc” theo từng bước chân được tác giả đưa vào thơ như lời tâm sự chung cúa lính. Và, thật sự em ngỡ ngàng vì lời thơ của chàng lính trẻ ấy dường như già dặn hơn nhiều so với chính anh: “Đi đã mệt nói chi đến leo cao
Trả lờiXóaCái say nắng làm hôn mê tức thở
Chút ít đất bằng cũng tìm đâu có
Bám gốc cây tạm nghỉ lúc đợi chờ”
Đã là lính, thì ở đâu, ở thời nào cũng là những người luôn luôn đi tiên phong và phải trải qua nhiều gian khổ, có khi phải đánh đổi bằng sinh mạng của chính mình.
“Đợi bóng đêm về che đi cái nắng
Gió trời khuya nhạt bớt cái oi nồng
Đêm Quảng Trị tạm lắng chút thinh không
Ru lính ngủ để ngày mai ra trận.”
Đây chỉ là một phần rất nhỏ những gian khổ của người lính mà tác giả miêu tả trong bài thơ, chỉ là bước mở đầu cho trận đánh hôm sau trong không khí dịu mát của đêm hè Quảng Trị “Ru lính ngủ để ngày mai ra trận”
Và, ngày mai, các anh lên đường vào trận đánh, ngày mai cái nắng “tức thở”, những giọt mồ hôi “ráo hoảnh” ấy sẽ chả là gì so với chính mạng sống của các anh đang từng giây, từng phút phải đối mặt với tử thần…
Cám ơn tác giả, em thật xúc động khi đọc bài thơ này.
Rất cảm ơn Nguyên Trinh có nhận xét cảm động về người lính! Nhưng NT ơi, đây là bài thơ mới viết hồi tưởng quá khứ cũng như bài Mưa rừng vậy, chứ tập nhật ký và thơ NH viết khi còn 18-19 tuổi đã thất lạc khi đi B gửi về quê theo đương bưu điện rồi. Ngoài ra còn nhiều bài nữa hoài niệm quá khứ về đời lính, giá có dịp nào sẽ gửi NT.Thật vui khi những người lính già được cảm thông, khích lệ. "Giặc đến nhà chắc người già cũng đánh" Tay súng còn chắc lắm!
Trả lờiXóaCám ơn NGƯỜI LÍNH GIÀ Ng. H đã cho anh em LÍNH CŨ hồi tưởng lại một thời trai trẻ.
Trả lờiXóaMình hơi bị GATO (ghen ăn tức ở) với TG đấy. Mình chẳng có cái may mắn được trải qua những cái vất vả hy sinh như NH nên luôn ngưỡng mộ những CCB thứ thiệt (mình chỉ là CCB dỏm mà). Bài thơ của NH nhắc mọi người nhớ lại thời đạn bom ác liệt nhưng đầy tự hào của toàn dân tộc. Vượt lên tất cả những cái đó, chúng ta đã thắng. Bài thơ rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi mà dân ta lại phải đối mặt với sự xâm lăng của giặc phương Bắc, không chỉ ngoài biển, mà còn bằng rất nhiều con đường và bằng nhiều phương thức khác nhau. Để chiến thắng, chúng ta lại cần đến cái chí khí của "Nắng gió Trường sơn". Cứ hồi tưởng và viết nữa đi bác NH.
Trả lờiXóaCảm ơn Pac QV, mình đã viết nhiều về kỷ niệm chiến tranh, để tự động viên mình và nhớ tới các đồng đội đơn giản thế thôi. NH vẫn nói 2 cái thứ quý mà đời bộ đội đã cho mình: Chẳng khó khăn nào hơn leo Trường Sơn với mình cả, Chẳng có gì quý hơn tuổi 20 mà mình đã tình nguyện lao vào khói lửa thì hy sinh cái khác là chuyện nhỏ. Vì vậy mình vững vàng lạc quan trong cuộc sống dù khó khăn nghèo khổ. Không phải chỉ vật chất mới quý pac QV nhỉ! Rất cảm ơn! Tôi cũng nghĩ Quán thơ mình thêm các "món" thơ khác cho phong phú. Chứ thơ phú truyền thống là yêu đương, trăng sao mây gió tuy nó lành nhưng lại quá cái tuổi anh em mình rồi, rặn chẳng ra được nữa. Pác đã đọc bài Cường quốc thơ của Võ Trung Hiếu chưa? nếu chưa tìm đọc nhé!
Trả lờiXóaCái đó NH phải tìm học thầy QT. Tâm hồn đc ấy vẫn teen lắm. Các bạn @ còn mệt mới bằng.
XóaKhông dám lạm bàn với các bác. Mỗi người một tâm tính và suy nghĩ, cái đó làm nên sự đa dạng.
Trả lờiXóaThực ra tôi muốn tránh nói về đề tài trong thơ, Thơ là cảm xúc không thuộc thể xác phàm tục, nó xuất phát từ trong các nơ ron thần kinh được thăng hoa để giải tỏa một điều bức xúc gì đó trong tâm hồn con người. Vì vậy đề tài của Thơ là vô tận.
Tình yêu, theo tôi là một tình cảm tinh tế và cao thượng nhất mà tạo hóa ban cho những sinh vật thượng đẳng. Tình yêu không bó buộc trong tình cảm đôi lứa mà hơn thế, nó là tình yêu với mảnh đất sinh ra và nuôi sống mình, là tình yêu bạn bè anh em đồng đội, với cỏ cây hoa lá trời mây sông nước, bất kể là cái gì đưa lại cho ta cảm xúc yêu quý, thì đó là tình yêu. Và thế, ĐƯƠNG NHIÊN là tình yêu không chỉ dành cho bạn trẻ, chính những sợi tóc bạc lấm tấm trên đầu người đàn ông, nói lên sự từng trải, kinh nghiệm đối nhân xử thế của anh ta, kết hợp với font văn hóa mà anh ta có được, sẽ quyết định anh ta sẽ xử sự như thế nào với TÌNH YÊU.
Đề tài chiến tranh, là một mảng không thể thiếu trong văn học hiện tại, trong đó có thơ. Hàng triệu CCB trở về, những bức xúc của một thời bom đạn ác liệt, sự tự hào chính đáng cần được trải bày, thơ là một trong những cách mà họ dùng để chuyển tải tiếng nói của mình, điều đó đáng được động viên và tôn vinh.
Có thể tôi không có được vinh dự leo Trường sơn nhiều như các bạn khác, năm 1968, 17 tuổi ba tháng tôi "leo" Trường sơn" bằng Zin ba cầu, năm sau chống gậy vượt TS bằng xe xích ATN 59, năm 74 mới được leo ngược TS đi học. Cho nên không có được cảm xúc của leo TS đánh Mỹ, nhưng không phải vì thế mà tôi không làm thơ về hồi ức chiến tranh, có đấy, và sẽ không có máu, một điều nữa cần nói là nếu có làm tôi cũng sẽ không dám đăng ở các trang Bạn Trỗi.
Và xin hứa, từ giờ cho đến khi xuống lỗ, tôi vẫn viết thơ TÌNH , Hahaha!!!
QV nói học thầy mà dễ à? Nếu học được thì khối người đã như Xuân Diệu rồi. Có học cũng khá lên một tí thôi, chứ người nào thơ ấy mà. Chính cái sự khác nhau và chênh lệnh ấy nó mới làm quán phong phú chứ bác! Sau này ta nghe thơ mà không xem tên tác giả cũng có thế đoán đúng của ai ấy chứ. Thơ tôi có chát chúa như tiếng búa đập xuống đe theo nghề cơ khí của tôi, thì thông cảm cho nhé bệnh nghề nghiệp mà.
Trả lờiXóa