Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

NGỰA ĐI NƯỚC MỘT

thơ Việt Dũng

Viên xúc sắc nằm lăn trên cỏ ướt
Ngựa đi nước một
Đứa trẻ khóc nhè
Chiều thẫm đồng quê.

Cho em gieo lại
Ngựa băm nước tứ
Lối nhỏ triền đê
Yếm thắm ai về…

Chiều đông buốt giá
Gió vàng gốc rạ
Thả trâu giữa đồng
Môi em tím ngắt
“Đánh cá ngựa không….”

Vi vút tuổi thơ
Mơ trên lưng ngựa
Xúc sắc xoay tròn
Xuân về lối cũ

Cô bé khóc nhè
Nay thành thiếu phụ
Đứng xem con mình
đang chơi cá ngựa

Ước cho tuổi hồng
Đổ ra nước tứ
Đổ ra nước ngũ
Đừng ra nước lục
Phải xuất khỏi chuồng
Đời mênh mông lắm
Tình đầy vấn vương…

Tuổi thơ mến thương
Lắc… cắc
nước nhất…
Lắc…cắc
nước tam…
Lắc… cắc
nước ngũ…

8 nhận xét:

  1. Bài thơ hay. Nó gợi ta nhớ về tuổi ấu thơ xưa, cái thời chăn trâu , cắt cỏ. Thời đó có cá ngựa mà chơi là "sang" đấy. Lũ trẻ chăn trâu ngày đó thường tụ tập đốt lửa trong những ngày đông tháng giá. Nếu bắt được con cá, con chim mà nướng lên rồi chia nhau mỗi đứa một miếng bé tí thì thật vô cùng hạnh phúc. Mà mẩu cá nướng, thịt chim nướng hồi đó mới ngon làm sao, mặc dù dính đầy tro than. Lũ trẻ thời đó hay chơi trò đánh trận giả, hai bên giàn trận, dùng đất ném nhau, vui ơi là vui. Cũng có đưa bị trúng "đạn" đau quá, không chịu được, khóc um...Rồi mải chơi, để trâu ăn lúa hợp tác xã, bị phạt điểm...
    Nhớ thế, tuổi thơ yên bình ơi. Cám ơn VD.

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ được tác giả viết trong một tâm thức hoài niệm về một thời đã xa, xa lắm. Hoài cổ đôi khi làm lòng ta bình yên, và có đôi chút tiếc nuối, về một EM, một chút TÌNH lẫn khuất đâu đó thật mơ hồ mà cũng thật hiện thực.
    Lấy bối cảnh là một cuộc chơi trò cá ngựa, tác giả muốn chuyển tải đến người đọc tình người, đến sự vị tha của tấm lòng con trẻ, và khi đối phương - nay đã thành thiếu phụ, thì nỗi nhớ phiêu phiêu ấy, về hình bóng ngày xưa ấy trở lại là lúc mà tâm hồn anh rung lên những nốt nhạc yêu thương muộn màng, dẫu vậy ký ức - bao giờ cũng làm tâm hồn ta dịu lại, trong xô bồ cuộc sống hôm nay.
    Ôí giời! giá như các nhà mần thơ đừng quá nhiều yêu thương đến vậy :))

    Trả lờiXóa
  3. Bài thơ đầy hoài niệm đẹp, yên bình. Tôi rất thích tứ thơ: "Đừng ra nước Lục/ Phải xuất khỏi chuồng/ Đời menh mông lắm/ Tình đầy vấn vương". Chơi cá ngựa, con trẻ rất mong được nước Lục. Vậy mà tác giả khuyên: "Đừng ra nước Lục...". Hay...

    Trả lờiXóa
  4. Anh TQtrung ơi. Thường các nhà "mần" thơ lại quá nhiều YÊU THƯƠNG mới khổ. Trái tim nhiều ngăn mà...

    Trả lờiXóa
  5. Cái ý hay một cách " tức tưởi " nhất đó là lời mẹ khuyên con gái :
    ...
    Đừng ra nước lục
    Phải xuất khỏi chuồng
    ĐỜI mênh mông lắm
    TÌNH đầy vấn vương…

    Tôi vẫn đang tự vấn : Vì sao ? Điều này chắc tác giả dấu vì là một điều " tế nhị " chăng ! !! Không ra ĐỜI thì làm sao có TÌNH được nhỉ !

    Trả lờiXóa
  6. Bất giác, em đã ứa nước mắt khi đọc bài thơ này
    Viên xúc sắc nằm lăn trên cỏ ướt
    Ngựa đi nước một
    Đứa trẻ khóc nhè
    Chiều thẫm đồng quê.
    Vâng, tuổi thơ của những đứa trẻ miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thật giản đơn mà trong sáng, ngây thơ mà trí tuệ. Tuổi thơ thiếu thốn trăm bề. Nhớ những ngày cha mẹ chưa tiếp tế đồ ăn lên nơi sơ tán, chúng em vẫn chơi xúc sắc với các bạn trong thôn, thỉnh thoảng dõi mắt về phía cổng làng xa xa xem có bóng hình cha mẹ xuất hiện…Thế rồi cứ xúc sắc mãi ra nước nhất, nước tam…mà nước mắt chảy ròng ròng …
    Nhưng, đó là những kỷ niệm tuyệt đẹp của tuổi thơ, mà em nghĩ rằng, chính điều đó phần nào cũng là nhân tố trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người trong thời kỳ gian khổ đó, và hầu như ai cũng trở nên có ích cho xã hội…

    Trả lờiXóa
  7. Xin lỗi Ng.Tr vì đã làm em khóc. Cám ơn các bạn thơ đã đọc và chia xẻ sự đồng cảm.

    Trả lờiXóa
  8. Xin đừng vì mình
    Mà hãy vì người
    Câu thơ viết vội
    Lặn lội tình thơ
    Bao giờ cho đến bao giờ
    Cái cò không hẩy con cò tập bay
    Lửng lơ trời , chới với bầy
    Chao nghiêng nét bút cho đầy ý thơ
    Bao giờ cho đến ... bao giờ ... !

    Trả lờiXóa

" Quán Thơ BT" hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment