Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Thơ Viễn Chi

Kính gửi anh chị em bantroi

Vừa đi công tác về, ghé Côn đảo, nhiều cảm xúc. Các đồng chí phụ trách khu di tích đề nghị chỉnh lý lại bài viết nên xin khất anh em cho đăng sau.

Sắp đến ngày 19/8, lại biết anh chị em toàn là nhà thơ, xin gửi bài bình luận của nhà thơ Vũ Quần Phương về tập thơ “Cánh chim trên những dặm đường” của Viễn Chi – ông thân mình – sau khi cụ già mất 6 năm.
Mặc dù nhà thơ Vũ Quần Phương chưa bao giờ gặp ông thân mình, nhưng nhà thơ viết lên chân dung và tính cách của ông thân mình rất rõ.Văn cũng là người như thế đấy


Bài viết của VŨ QUẦN PHƯƠNG


Thơ Viễn Chi

Viễn Chi tên thật là Trần Xuân Viên, sinh năm 1919, người huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Ông làm thơ từ rất sớm, nhờ nhà thơ đồng hương Đoàn Văn Cừ góp ý. Ông Đoàn Văn Cừ lúc đó đã là thày giáo và có thơ đăng báo. Năm 1934, Viễn Chi viết bài thơ Đá Vọng Phu, thể lục bát, lời lẽ, tình ý già giặn. Nhưng mãi 63 năm sau, 1997, ông mới in tập thơ đầu với tư cách người viết nghiệp dư. Ông Đoàn Văn Cừ lúc này đã cao niên, về sống tại quê nhà, lại là người góp ý, biên tập cho tập thơ. Ông Viễn Chi cảm kích mối thâm tình của nhà thơ họ Đoàn, mà giật mình, bao nhiêu năm tháng đã trôi qua.
Phát lộ năng khiếu thơ thủa thiếu thời, nhưng Viễn Chi không đi theo đường văn chương. Ông tham gia hoạt động cách mạng, trở thành một chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm chiến đấu. Ông nghỉ hưu năm 1988 ở cương vị Thứ trưởng Bộ Công An.
Không theo nghiệp văn chương, nhưng thơ vẫn lãng đãng theo Viễn Chi trên mọi chặng đời. Thơ ông đánh dấu những phấn đấu, những chịu đựng, thử thách với đời ông... Thơ lưu giữ những ấn tượng lịch sử đất nước trong hai cuộc kháng chiến, những kỷ niệm sâu sắc về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tình quốc tế. Từ khi nghỉ hưu, ông viết nhiều hơn, và rất vui, lại hay hơn. Hay vì những chiêm nghiệm cuộc đời sâu sắc. Hay vì ông đã trở lại, như buổi đầu đời, tâm sự hồn nhiên, ý tưởng cởi mở, tình cảm chân thực. Đây là bước tiến của thơ ông, cũng là bước tiến của tư duy xã hội, thành quả của công cuộc đổi mới (khởi xướng từ 1988, năm ông về hưu)
Thơ Viễn Chi bộc lộ một cách sống đẹp, có trách nhiệm với cuộc đời:
“Anh có buồn vì xã hội đang
Nhân tình xuống cấp, giá leo thang
Lương tâm đạo lý đều mua bán
Chức trách quyền uy cũng hóa hàng?”
Vào năm 1991, một ông nguyên thứ trưởng công an đặt ra câu hỏi ấy, thật đáng quý. Nhưng đáng quý hơn là ông biết yêu đời, nhạy cảm, biết tinh tế, biết trân trọng cái đẹp của ngày thường, của thiên nhiên tạo vật:
“Sáng sớm Mưa Thu lác đác rơi
Trong đầm ai hái lá sen tươi?
Lá sen ai gói thơm xôi nóng
Thơm cả bàn tay cô bán xôi!”
Bút pháp bài tứ tuyệt này đã là bút pháp người viết chuyên nghiệp.
Bài thơ Sang Thu tặng Đoàn Văn Cừ, cách nắm bắt chất thơ hư ảo của thiên nhiên cho thấy dấu vết một năng khiếu thơ khá rõ; đoạn đầu “hương lá” của mùa sen cuối vụ, đoạn hai là“hình” của lá và bướm vàng trong nắng hanh, đoạn ba là âm thanh, thấy ríu rít tiếng chim, thấy cành rung mà không thấy bóng chim đâu, đoạn bốn xuất hiện con người trong tiếng cu gù, đứa bé ngủ (làm nhớ) người mẹ ru, đoạn kết thâu tóm được tất cả yếu tố trên và cảm nhận thiên nhiên “Như cũng cùng ai muốn tỏ tình”. Bài thơ viết năm 1994, nhưng cảm xúc ấy vẫn thoát thai từ thời thơ lãng mạn.
Cuộc đời của tác giả đi từ những bài thơ đa cảm, như bài “Đá Vọng phu” đến những mặt công tác xã hội phức tạp, nhiều lúc việc đời bề bộn át đi tâm sự. Lúc cuối đời, thơ Viễn Chi trở lại được nét đa cảm thủa thiếu thời và lại cộng thêm nhiều chiêm nghiệm sống của cả đời người lịch lãm. Ông chiêm nghiệm lịch sử, chiêm nghiệm thời cuộc và chiêm nghiệm thân thế chính mình. Từ cuộc đời Nguyễn Trãi, ông luận về các phép ứng xử, công thành, thân thoái, được chim vứt nỏ và lăng tẩm lớn nhất là lòng dân. Thơ luận sự đời nhưng hồn nhiên cụ thể. Về Hồ Chí Minh, ông mượn hình tượng hoa lan trong vườn Bác. Nói Hoa mà thấy người. Cuộc đời có những tình thế tiêu cực. ông giận dữ, phê phán, nhưng trong sâu thẳm, lòng ông thanh thản của người thủy chung được với lý tưởng của chính mình, như Tố Hữu thủa nào đấu tranh tuyệt thực trong tù ngục “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”
“Nay đã đi qua một chặng đường
Tấm lòng thanh thản nhẹ hành trang!
Ước như ai đó cày xong ruộng
Nằm khểnh bên trâu, hóng gió đàn”
Đây là lần đầu tiên tôi đọc thơ Viễn Chi, ông tạ thế đã 6 năm, người con trai của ông đưa tôi tập thơ này, tôi thật sự ngạc nhiên khi gặp ở phần cuối tập có nhiều bài có chất thơ và khá nhuần nhuyễn trong mạch thơ, trong cảm xúc. Cái kết của bài “Vào cố đô thăm Thế Miếu” là cách đóng bài của người thạo thơ cổ điển:
“Trăm rưởi năm xưa bao biến đổi
Bên thềm, lá rụng, gió thu bay.”
Thơ kể chuyện cổ tích Hòn Trống Mái ở Thanh Hóa mà vận ra được bao nhiêu cảnh ngộ của người trần gian thì cũng là khéo:
“Xuống với trần gian giữa cuộc đời
Thì nàng công chúa cũng như ai”
Cũng như ai nghĩa là cũng rơi vào tình ái và thích trần gian. Thích trần gian vi như tác giả bình luận: ”Tình yêu thủy chung son sắt? Là tình yêu không có ... trên trời.” Những nét tạt ngang ấy, khi hóm hỉnh, khi thâm trầm, cho thấy ông già Viễn Chi thính tai, tinh mắt và sắc xảo lắm.
Ông có quan niệm thơ rất nhà nghề. Ông biết cái giá của cảm hứng: “Mọi việc tôi quen giờ giấc đúng” Chứ sao, làm An ninh mà giờ giấc lơ mơ thì thất bại. Nhưng ông lại rất hiểu ngoại lệ của thơ. Nó đến bất ngờ không quy luật, không hò hẹn:
“Không ghi chép kịp thơ quên mất
Ý đẹp lời hay đến bất ngờ
Có những câu thần không gặp lại
Suốt đời bỏ dở một bài thơ”
Chắc Viễn Chi đã bỏ lỡ nhiều bài thơ như thế, nhưng bài thơ của cuộc đời ông, ông đã không lỡ. Cái chất tâm hồn tế nhị thanh thản kia cho thấy, ông không lỡ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

" Quán Thơ BT" hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment